Trong các phương pháp chữa bệnh cổ xưa của Trung Quốc thì châm cứu là phương pháp phổ biến, ngày nay nó được ứng dụng rộng rãi ở cả Việt Nam. Mặc dù phương pháp này đã ra đời cách đây hàng thế kỷ, song không phải ai cũng thấu hiểu về nó.
Châm cứu là khái niệm dùng chung để nói về 2 thủ thuật châm và cứu.
Trong đó:
Châm là dùng vật nhọn để đâm, kích thích vào huyệt.
Cứu là dùng nhiệt để tác động vào huyệt.
Cụ thể hơn:
Châm dùng kim thuộc chế thành nhiều loại kim khác nhau châm lên bộ phận cơ thể con người; thủ pháp châm tùy thuộc vào bệnh tình và thể chất của người bệnh; mục đích của châm là kinh thông hoạt lạc, khử tà phù chính…
Các loại kim dùng trong châm cứu: Hào châm, tam lăng châm, bì phu châm, hỏa châm…
Cứu dùng lá ngải khô làm thành ngải nhung, từ ngải nhung tạo thành các viên nhỏ to, khi dùng đốt lửa rồi đặt lên những vị trí huyệt vị nhất định của con người; mục đích cũng nhằm kinh thông hoạt lạc, phòng và chữa bệnh.
Châm và cứu tuy sử dụng phương pháp khác nhau song huyệt vị tác động lại giống nhau, mục đích sử dụng cũng như nhau do vậy người ta gọi chung cả 2 phương pháp là châm cứu.
Vậy châm cứu là gì?
Châm cứu chính là phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền sử dụng các công cụ khác nhau (kim châm, ngải đốt, điện cực, đèn hông ngoại…) nhằm tác động đến các huyệt đạo trên cơ thể con người, giúp thông kinh hoạt lạc, điều hòa khí huyết, phòng và chữa bệnh cho con người.
Nếu như tôn chỉ chữa bệnh của y học hiện đại là sự cân bằng các hóa chất trong cơ thể thì đối với y học cổ truyền lại là cố gắng bằng mọi cách để cân bằng năng lượng trong cơ thể con người. Chính vì vậy mà các phương pháp chữa bệnh bằng đông y như bấm huyệt, châm cứu… luôn được người bệnh xem như là sự lựa chọn an toàn, đảm bảo và hiệu quả.