Bệnh án đau thần kinh tọa xét theo mỗi góc độ theo y học hiện đại hay y học cổ truyền sẽ có những nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị khác nhau. Ở bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về bệnh án đau thần kinh tọa theo y học cổ truyền.
Trước khi tìm hiểu cụ thể về bệnh án thì sau đây là những thông tin cơ bản về bệnh: Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ tuổi 30 đến tuổi 60; trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh so với nữ giới cao gấp 3 lần; nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm (chiếm khoảng 60 – 90%).
Nguyên nhân bệnh án theo y học cổ truyền
Bệnh đau thần kinh tọa là một hội chứng mà trong các bệnh “Tọa điến phong”, “Tọa cốt phong” có mô tả. “Phong” mà hội chứng bệnh lý này đề cập chính là sự mô tả về tính chất thay đổi và di chuyển của cơn đau.
Triệu chứng nổi bật nhất của bệnh chính là cảm giác đau, do vậy nó thuộc về phạm trù chứng “Tý” hoặc “Thống”, điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Có 2 nguyên nhân chính gây nên bệnh đau thần kinh tọa theo y học cổ truyền nghiên cứu:
Nguyên nhân về ngoại nhân: Do phong hàn, phong nhiệt, thấp nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm nhập vào các kinh Bàng quang và Đởm.
Nguyên nhân về bất nội ngoại nhân: Do những chân thân ở cột sống làm kinh Bàng quang và Đởm bị ứ huyết.
Khi khí huyết của kinh Bàng quang và Đởm bị cản trở hoặc bị tắc lại gây nên hiện tượng đau đớn. Biểu hiện của cảm giác đau này còn tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.
Triệu chứng học và chẩn đoán theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền có 2 thể lâm sàng chủ yếu là thể cấp và thể mãn.
Thể cấp: Thể phong hàn phạm kinh lạc hoặc khí huyết ứ trệ
Triệu chứng lâm sàng của thể cấp:
Cảm giác đau: Đau lưng dọc theo dây thần kinh tọa lan xuống chân; đau dữ dội, đau mạnh khi ho, hắt hơi hoặc cúi gập cổ đột ngột; cường độ đau tăng lên đêm và giảm khi nằm nghỉ trên giường cứng.
Hiện tượng rêu lưỡi trắng, mạch phù hoặc lưỡi có điểm ứ huyết.
Cảm giác kiến bò, tê cóng hoặc kim châm ở bờ ngoài bàn chân chéo qua mu bàn chân đến ngón cái hoặc ở gót chân hoặc ngón út.
Khám lâm sàng:
Triệu chứng ở cột sống: Cơ lưng phản ứng co cứng, cột sống mất đi đường cong sinh lý.
Triệu chứng đau rễ: Dấu hiệu Lasègue (+), Bonnet (+), Néri (+). Để biết rễ L5 hay S1 bị xâm phậm cần khám phản xạ, cảm giác, vận động và dinh dưỡng.
Với rễ L5: Cảm giác là giảm hoặc mất phía ngón cái, không đi được bằng gót chân.
Với rễ S1: Giảm hoặc mất phía ngón út, không đi được bằng mũi bàn chân.
Thể mạn: Thể phong hàn thấp/ can thận âm hư
Triệu chứng lâm sàng:
Đau âm ỉ, cơn đau tăng theo từng đợt.
Thường đau 2 bên hoặc nhiều rễ.
Đi kèm triệu chứng kém ăn, mất ngủ và mệt mỏi.
Điều trị bệnh án đau thần kinh tọa theo y học cổ truyền
Đối với thể cấp
Nằm nghỉ ngơi trên giường cứng, hạn chế mọi vận động nặng và di chuyển.
Châm cứu, bấm huyệt: Áp thống điểm, hoàn khiêu, ủy trung, kinh cốt, đại chung, khâu khư, lãi câu.
Nhĩ châm kết hợp với huyệt: Cột sống thắt lưng, dây thần kinh, hông, mông, háng, gối, cổ chân.
Áp dụng bài tập và các phương pháp vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Uống thuốc đông y: Sử dụng bài thuốc trị thấp khấp như sau: 12g lá lốt, 12g cà gai leo, 10g quế chi, 12g thiên niên kiện, 10g cỏ xước, 12g thổ phục linh, 12g sài đất, 16g hà thủ ô, 16g sinh địa.
Đối với thể mạn
Xoa bóp, tập luyện, chú trọng các cơ vùng thắt lưng, cơ mông và cơ tứ đầu đùi.
Sử dụng kỹ thuật châm cứu với các huyệt giống như thể cấp, cộng thêm các huyệt sau: Thận du, thái khê, phi dương, tam âm giao.
Áp dụng các bài tập vật lý trị liệu chữa đau thần kinh tọa như: Nằm ngửa gồng cơ tứ đầu đùi, tập cổ chân, ưỡn lưng; nằm sấp gồng cơ mông, ngẩng đầu lên xoay đầu, nhấc từng chân lên rồi hạ xuống; quỳ đưa từng chân lên rồi hạ xuống, động tác chào mặt trời…
Uống thuốc đông y với bài thuốc trị thấp khớp nói trên, cộng với bài Độc hoạt tang ký sinh gia giảm gồm Độc hoạt 12g, Phòng phong 8g, Tang ký sinh 12g, Tế tân 6g, Quế chi 6g, Ngưu tất 12g, Đỗ trọng 8g, Đảng sâm 12g, Phục linh 12g, Cam thảo 6g, Bạch thược 12g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Đại táo 12g.
Khi bị đau thần kinh tọa người bệnh nên nhanh chóng đến các phòng khám y học cổ truyền để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả.